Cô: Lê Thị Mai, PHT trường MN Tân Lập, tấm gương sáng vượt khó trong sự nghiệp giáo dục mầm non
Không quản ngại đêm ngày mưa nắng
Dẫu nhọc nhằn nhưng chẳng kể công
Mãi mê lặng lẽ “ươm trồng”
Chèo, đưa trò nhỏ qua sông giúp đời.
Đó là tinh thần, trách nhiệm của nghề giáo nói chung và các cô giáo Trường Mầm non Tân Lập nói riêng, không quản khó khăn đã tận tình chăm sóc và nuôi dạy các cháu, hình thành thói quen, hành vi văn minh và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Ngành học mầm non có những đặc thù riêng, nhưng với tinh thần trách nhiệm không chưa đủ mà phải có một tinh thần vượt khó, tận tụy với công việc và cô: Lê Thị Mai phó hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Lập là một trong những tấm gương sáng với tinh thần vượt khó trong sự nghiệp giáo dục mầm non.
Cô: Lê Thị Mai tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Bình Dương năm 1999, về xin dạy hợp đồng thời vụ tại trường Mầm non Tân Tiến, lương hợp đồng có 350.000đ/1 tháng, nhưng vì đam mê công việc “cô nuôi dạy trẻ” bản thân cô hết lòng tận tụy với công việc chăm sóc giáo dục các cháu, yêu thương học sinh như con đẻ của mình, năm học 2003 – 2004 cô đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và còn nhiều danh hiệu thi đua khác. Đến tháng 9 năm 2005 cô đã được vào biên chế và đến tháng 1 năm 2006 được điều động đến công tác tại Trường Mầm non Hướng Dương được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng. Trường mới được thành lập từ tháng 9 năm 2004, trường cách xa trung tâm xã 9km, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, khuôn viên nhà trường cây cỏ còn rất um tùm, số lượng lớp học ở điểm chính là 5 nhóm, lớp, ở điểm lẻ là 2 nhóm lớp mượn của trường Tiểu học, phòng làm việc của ban giám hiệu và bếp ăn chỉ ngăn bởi 1 vách tường, nóng bức. ở cương vị phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cô đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mạnh dạn đổi mới phương pháp làm việc và tập trung vào công tác chỉ đạo chuyên môn, làm sao để hướng giáo viên trong việc làm đồ dùng dạy học, hình thức tổ chức các hoạt động, cách lên kế hoạch và soạn giảng sao cho linh hoạt, sáng tạo và có hiệu quả. Để làm được điều đó, bản thân cô không ngại khó khăn, làm việc quên mình, nghiên cứu các tài liệu, truyền đạt cho giáo viên những kỹ năng vận dụng phương pháp tổ chức sao cho linh hoạt, sáng tạo và lôi cuốn trẻ. Và trong những năm gần đây đơn vị đã đạt rất nhiều thành tích như: Giải nhất toàn đoàn hội thi “làm đồ dùng tự tạo cấp huyện”, giải nhất toàn đoàn hội thi “ngành giáo dục đào tạo huyện đồng phú học tập làm theo lời bác dặn”, giải nhất toàn đoàn hội thi “bé thông minh vui khỏe cấp huyện”, đạt giải nhì toàn đoàn hội thi “giáo viên dạy giỏi cấp huyện” đạt giải bóng chuyền nữ hàng năm. Tỷ lệ Lao động tiên tiến và đề nghị các cấp khen thưởng hàng năm có chiều hướng đi lên, tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước.
Nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo năm học 2014 – 2015 trường đạt trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, qua các đợt kiểm tra chuyên môn của phòng, của sở càng khẳng định chất lượng chuyên môn của nhà trường ngày càng đi lên, tỷ lệ giáo viên giỏi toàn trường cấp cơ sở trên 50%, cấp huyện 20%.
Bên cạnh những thành tích của trường thì cũng không quên những thành tích mà cá nhân cô đã đạt được trong những năm gần đây, cô luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội, bản thân của cô 6 năm liên tục có sáng kiến được hội đồng sang kiến cấp huyện công nhận, 6 năm liên tục đạt chiến sĩ thi đua cơ sở. 2 năm liền được UBND Tỉnh tặng bằng khen, năm 2017 bản thân đạt tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Đảng ủy xã tân Lập tặng giấy khen.Năm 2018 BCH Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng khen. Năm học 2018 - 2019 đạt chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh và được Bộ GDĐT tặng bằng khen.
Thực hiện Quyết định 1960 ngày 18/7/2019 về việc sáp nhập trường mầm non Hướng Dương vào trường mầm non Tân Lập.Sau khi xác nhập 2 trường: Mầm non Hướng Dương và Mầm non Tân Lập lại thành một trường Mầm non Tân Lập thì công tác quản lý chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng nhóm lớp là 20 chia làm 3 điểm trưởng, mỗi điểm trường cách xa nhau 9km. Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi thấy bản thân cô đã không quản ngại khó khăn, nhanh chóng đưa hoạt động chuyên môn của 2 điểm trường đi đến thống nhất và hoạt động một cách nhịp nhàng.
Tại buổi họp mặt kỷ niệm 37 năm ngày nhà giáo Việt Nam
Vì sự hy sinh, tận tụy, yêu nghề mến trẻ của cô đối với nhà trường nói riêng và sự nghiệp giáo dục Mầm non nói chung. Tập thể các cán bộ công chức, viên chức trong nhà trường luôn tin tưởng năng lực quản lý của cô, phụ huynh, học sinh cũng rất quý mến. Đó là một gương điển hình của trường mầm non Tân Lập.